Thời gian qua đã có nhiều chị em rơi vào hoàn cảnh “tiền mất tật mang” khi những bộ móng quyến rũ nay trở nên sần sùi, mưng mủ chỉ vì xem nhẹ vấn đề vệ sinh dụng cụ khi đi làm móng.



Sự vô tư, chủ quan của các chị em đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Đến giờ chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (Q. Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn sởn da gà khi nhớ lại câu chuyện đi làm móng của mình.

Tuần trước khi đang làm móng tại tiệm gần nhà và dùng bấm móng tay chung của tiệm, cô thợ vô tình cắt phạm da gây trầy xước. Nghĩ sứt da một tí chẳng hề hấn gì, lại được thợ nhanh tay lấy chanh, rồi oxi già sát trùng nên chị yên tâm là an toàn. Ai ngờ hôm sau vết thương nổi chấm mủ, sưng tấy đỏ và đau, người chị lên cơn nóng sốt. Đến khi đi khám bác sĩ cho biết chị bị bệnh chín mé (nhiễm trùng ở khóe móng).

Đây là bệnh nhiễm trùng tạo mủ hoặc áp xe ở đầu múp các ngón tay, ngón chân, có thể gây những biến chứng như viêm xương, viêm bao hoạt dịch, viêm khớp hoặc nhiễm khuẩn huyết, có thể gây ra tử vong. Ban ngày còn đỡ, buổi tối vết thương căng tức, nhức nhối, đau giật, rất khó chịu. Phải mất cả tuần nghỉ ăn nghỉ làm chị mới điều trị khỏi. “Cứ nghĩ chủ quan da không chảy máu, không bị tổn thương thì không sao ai ngờ gặp sự cố khổ sở thế này. Biết thế mua riêng bộ kềm thích làm khi nào thì làm mà lại an toàn”, chị Nhung ngậm ngùi.

Còn chị Trần Thị Kim Tuyến, tiểu thương tại chợ đầu mối Thủ Đức (Q. Thủ Đức, TP.HCM) đến phòng khám da liễu vì thấy móng xù xì, trên móng có một lớp vảy mịn như cám, móng có sọc ngang, dọc, da xung quanh móng, khóe móng viêm đỏ và ngứa sau một lần làm móng. Khi bác sĩ chuẩn đoán chị bị bệnh nấm móng. Chị mới giật mình kể lại: hằng ngày đầu tắt mặt tối buôn bán tại chợ, không có thời gian đi làm đẹp nên chị thường gọi thợ làm móng dạo đến tận nơi cho tiện.

Những thợ làm móng thường chỉ mua sắm một vài bộ kềm cắt da, giũa móng, dụng cụ lấy khóe và dùng cho rất nhiều khách. Làm xong khách trước, họ chùi sạch da bám trên lưỡi rồi cắt tiếp cho người khác. Gặp thợ cẩn thận hơn, hoặc khách khó hơn, thì chiếc kềm cắt da ấy mới được cắm vào trái chanh hoặc xịt tí nước axeton (nước rửa sơn móng), vậy là khử trùng rồi ???

Một số loại nước tẩy móng, sơn móng, bột đắp mà thợ làm móng dùng cũng không ghi rõ nguồn gốc. Mấy lần làm trước đó không bị cắt phạm da nên chị Tuyến chủ quan, ai ngờ lần này dính bệnh. “Thấy làm móng dạo giá mềm và tiện nên làm đại chứ ai nghĩ gì tới dụng cụ. Giờ tiền thuốc còn đắt hơn tiền công”, chị Tuyến thở dài.

Trường hợp suy nghĩ chủ quan, xem nhẹ vấn đề vệ sinh như chị Nhung, chị Tuyến không phải là cá biệt. Theo BS Ngô Minh Vinh, BV Da Liễu Tp HCM – giảng viên đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch, thời gian gần đây có nhiều chị em phụ nữ đến khám và chữa bệnh lây nhiễm khi đi làm móng. Nhiều thợ làm móng hiện nay ít chú ý hoặc không được đào tạo cách đảm bảo vệ sinh dụng cụ và kiến thức về những căn bệnh có khả năng nguy hại đến sức khỏe của khách hàng thông qua việc làm móng.

Họ hầu như không từ chối bất kì khách hàng nào, thậm chí phục vụ cả những người mang bệnh nhiễm trùng móng. Bản thân các chị em đến làm móng cũng tin tưởng vào độ "sát trùng" đơn giản bằng axeton hay chanh của tiệm và yên tâm sử dụng chung dụng cụ, vô tình làm cầu nối cho vi nấm lây lan từ người bị bệnh cho người khác.

BS Vinh cảnh báo trong quá trình làm móng như khi cắt da và lấy khóe, người thợ chuyên nghiệp nhất cũng có thể làm xước da bạn, những vết mắt thường khó có thể nhìn thấy. Vì vậy dù là làm ở tiệm hay ở nhà, hay làm móng dạo, khả năng kềm cắt móng, cắt da, dụng cụ lấy khóe móng không khử trùng đúng cách làm xước da bạn sẽ gây nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn, vi nấm hoặc virus (Siêu vi) như siêu vi gây viêm gan B, C và HIV/AIDS.

Cũng theo BS Vinh cách tốt nhất để chị em tự bảo vệ sức khỏe của mình là nên chủ động sử dụng một bộ kềm và dụng cụ làm móng riêng cho mình. “Dùng kềm cắt móng chung cũng giống như dùng chung kim tiêm, chuyện rủi ro bị lây bệnh chỉ là vấn đề thời gian. vì vậy các chị em nên tự bảo vệ sức khỏe của mình trong quá trình làm đẹp”, BS Vinh khuyến cáo.

Theo Nguồn Tin Kềm Duy