"Khách hàng là thượng đế" - câu châm ngôn nói về địa vị của người bán hàng và người dùng dịch vụ ấy. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp hy hữu, những vị "thượng đế" này lại có những hành vi gây rối dẫn đến tình trạng xúc phạm, mạt sát thậm chí là gây thương tích cho những nhân viên "bán hàng". Nổi cộm trong thời gian qua là hành vi xúc phạm cá nhân, gây rối trật tự công cộng của một nữ công an tại sân bay Tân Sơn Nhất gây nên lỗi bức xúc trong dư luận. Vậy việc gây rối tại sân bay bị xử lý như thế nào? Luật Sư X là đơn vi chuyên cung cấp dịch vụ luật sư tranh tụng sẽ giải đáp thắc mắc của bạn ngay sau đây:


Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017;
  • Nghị định 162/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.


Nội dung tư vấn

Gây rối trật tự tại sân bay là hành vi cố ý phá vỡ tình trạng ổn định, có tổ chức, có kỷ luật tại sân bay, cảng hàng không. Hành vi này có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được pháp luật bảo vệ, qua việc vi phạm quy tắc sống lành mạnh, nếp sống văn minh.

Tùy theo mức độ của vi phạm, người thực hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

1. Về hình thức xử phạt vi phạm hành chính

Theo Điểm a Khoản 4 Điều 26 Nghị định 162/2018/NĐ-CP, thì có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng đối với cá nhân có hành vi gây rối, kích động, lôi kéo người khác gây rối làm mất an ninh, trật tự tại cảng hàng không, sân bay và nơi có công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

"Điều 26. Vi phạm quy định về an ninh hàng không tại cảng hàng không, sân bay; trên chuyến bay; tại nơi có công trình, trang bị, thiết bị hàng không

...

4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng (ba triệu đồng) đến 5.000.000 đồng (năm triệu đồng) đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Gây rối, kích động, lôi kéo người khác gây rối làm mất an ninh, trật tự tại cảng hàng không, sân bay và nơi có công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

..."

2. Về hình thức xử lý hình sự của hành vi này

Cá nhân có hành vi gây rối trật tự sân bay có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội gây rối trật tự nơi công cộng" theo Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Theo đó, người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng - 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Nếu người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

  • Có tổ chức;
  • Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;
  • Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
  • Xúi giục người khác gây rối;
  • Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
  • Tái phạm nguy hiểm.


Ngoài ra, khi người gây rối sân bay là giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty, công ty phải có nghĩa vụ bổ sung thành viên, người đại diện nếu không muốn bị tạm ngừng kinh doanh.
Hy vọng bài viết hữu ích đối với bạn. Trân trọng!