PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, sữa bột khó tan, hoặc không tan, vón cục… chỉ có thể do công nghệ sản xuất kém hoặc sữa bị hỏng, không nên cho trẻ em sử dụng.


Trên thành cốc là những cục sữa Grow Advance của hãng sữa Abbott (Hoa Kỳ) bị vón lại sau khi pha với nước ấm.
Để có thể hiểu hơn về công nghệ chế biến sữa bột và tìm một phần lời giải cho việc sữa bột PediaSure BA và Grow Advance của hãng sữa Abbott (Hoa Kỳ) không tan, vón cục khi pha với nước, chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội).



PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội). Ảnh: Kiến thức
PV: - Theo ông vì sao một số loại sữa bột khi pha với nước thường khó tan, hoặc tan không hết, vón cục…?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Sữa bột được làm từ sữa bò tươi đã sấy khô, thông thường để sữa bột được tan đều trong nước nhà sản xuất sẽ trộn thêm một loại chất phụ gia (không có hại) để sữa phân tán đều trong nước.

Còn việc sữa không phân tán (hay không tan) đều trong nước thường có hai nguyên nhân cơ bản, thứ nhất là do nhà sản xuất không cho đủ hoặc đúng chất phụ gia để sữa phân tan đều trong nước, đây là do kỹ thuật nhà sản xuất kém.

Thứ hai, do sữa bị hút ẩm nên vón cục, sữa sẽ bị hỏng nên không tan.

Cũng phải lưu ý người tiêu dùng rằng không nên cho quá nhiều sữa trong khi lượng nước quá ít, phải cho lượng nước đủ để sữa được phân tán đều.

PV: - Sau khi khách hàng phản ánh sữa Grow Advance không tan, vón cục… nhân viên Công ty phân phối có tới tận nhà của khách hàng và tự tay pha, thậm chí để cốc sữa tận 2 tiếng và khuấy nhiều lần, nhưng sữa vẫn bị nổi váng và vón cục, ông có lý giải gì về hiện tượng này?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Cái đấy khách hàng có quyền nghi ngờ sữa bị hỏng, mà đã nghi ngờ thì khuyến cáo với người tiêu dùng là không nên cho trẻ em dùng, vì hệ tiêu hóa của trẻ em còn yếu, rất nhạy cảm.

Khi pha đúng kỹ thuật mà sữa vẫn không tan có thể do kỹ thuật sản xuất sữa kém, hoặc sữa bị hỏng. Khi sữa bị hỏng vi sinh vật sẽ phát triển liên kết các bột với nhau và không tan được nữa. Như vậy càng không nên cho trẻ em ăn.

Về nguyên tắc, từ bột sữa muốn quay trở lại dạng nước thì phải có quá trình hoàn nguyên (từ sữa bò sấy khô thành sữa bột, từ sữa bột pha với nước để thành sữa như sữa bò gọi là quá trình hoàn nguyên).

Quá trình này bột sữa phải phân tán hoàn toàn trong nước, giờ quá trình này không tốt khiến sữa không phân tán được hoàn toàn trong nước có thể do kỹ thuật kém, nếu vậy người tiêu dùng cũng không nên dùng.

Trong trường hợp sữa bình thường, bột sữa là những hạt ly ty rất nhỏ và rời nhau, khi pha vào nước sẽ lập tức được phân tán đều.

PV: - Trong trường hợp sữa có hạt cứng như hạt gạo, khi trẻ em uống vào có ảnh hưởng gì tới hệ tiêu hóa của trẻ không, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Nếu là sữa bị nhiễm khuẩn dẫn tới không tan, sẽ tùy vào mức độ, có thể làm trẻ em bị tiêu chảy, như thế sức khỏe của các cháu sẽ bị suy giảm, ngay cả người lớn bị tiêu chảy còn vàng mặt ra nữa là trẻ con.

PV: - Phía đại diện công ty nhập khẩu sữa Abbott giải thích là sữa khó tan vì có nhiều chất đạm và chất xơ, theo ông giải thích như vậy có thỏa đáng không?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Giải thích vậy là không phải, vì trong nghiên cứu công nghệ mới, nhà sản xuất có thêm vào sữa bột một chất gọi là Cellulose tan (chất xơ tan), đó là các sợi Cenllulose đã được dùng công nghệ cắt mịn tới mức có thể phân tán đều trong nước.

Đã gọi là chất xơ tan, mà cho vào trong nước vẫn không tan thì đừng có nói là chất xơ tan nữa. Đấy là công nghệ có vấn đề.

Còn chất đạm cao (chất Protein cao), chất này có cao thì cũng chẳng có lý do gì để nó không tan. Thông thường Protein trong sữa bò tươi đã được phân tán rất đều, nhưng khi chế biến thành sữa bột chất này có hiện tượng vón cục, nên nhà sản xuất phải bỏ thêm một loại chất phụ gia rất an toàn vào sữa, để những hạt Protein tách nhau ra và phân tán đều trong nước.

Nếu anh không thể làm chất này phân tán đều trong nước thì công nghệ của anh thuộc loại dạng bét, quá kém.

Nguyên tắc của sữa bột cho trẻ em là khi hoàn nguyên phải giống như cốc sữa tươi bình thường vắt ra từ con bò, để khi uống vào sẽ dễ lên men và tiêu hóa.

Nếu sữa có cục lớn, cục bé thì có vào ruột của trẻ cũng không thể tiêu hóa và hấp thụ được vì hệ tiêu hóa của các cháu còn yếu, sau cũng đào thải ra ngoài.

Còn anh chế biến sữa mà Protein vẫn giống như thịt bò, thịt lợn thì tôi mua sữa làm gì, cho ăn béng thịt bò, thịt lợn cho rồi.

PV: - Những hộp sữa PediaSure BA thường ngọt hơn các loại sữa khác rất nhiều, nhà phân phối giải thích đấy là do thành phần đường Fructose có vị ngọt hơn những loại đường khác, hàm lượng đường này lớn có ảnh hưởng gì tới sức khỏe các cháu và có thể gây ra bệnh tiểu đường không thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Đường này tốt, có vị ngọt mạnh nhưng năng lượng không lớn, nên không ảnh hưởng.

PV: – Nhân viên tư vấn của Abbott có giải thích sữa bột Abbott khó tan là do có hàm lượng tinh bột bắp thủy phân, như vậy có thỏa đáng không và uống có ảnh hưởng tới sức khỏe trẻ em không thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Tình bột thủy phân (Maltodextrin) là tinh bột đã được tiêu hóa một phần nên không sao. Nhưng xin lưu ý rằng chất Maltodextrin nhiều trường hợp nhà sản xuất cho vào với tỷ lệ cao hơn bình thường để làm giả sữa tăng lợi nhuận.

Vì chất này có màu giống với bột sữa. Chẳng hạn tiêu chuẩn trong một hộp sữa có 50% là Maltodextrin và 50% là sữa bò, nhưng anh lại cho tới 80% là Maltodextrin và 20% là sữa bỏ để gian lận.

Có một số đơn vị sản xuất sữa kém chất lượng thường mua sữa bột của nước ngoài về sau đó trộn với thật nhiều Maltodextrin, khi pha loại này chẳng khác gì sữa đúng tiêu chuẩn. Các mẹ sử dụng cứ tưởng là sữa thật, nhưng thực chất toàn uống bột.

Maltodextrin là chất rất có lợi cho hệ tiêu hóa, nhưng chỉ một tỷ lệ nhất định thôi, nếu nhiều quá sẽ thành sữa kém chất lượng, tỷ lệ sữa không đảm bảo.

Thêm nữa, Maltodextrin là chất rất dễ tan trong nước, nên nếu nói sữa khó tan vì có Maltodextrin là không thỏa đáng.

Tóm lại, sữa không tan, để lâu vón cục… người tiêu dùng có quyền nghi ngờ sữa hỏng, mà đã hỏng thì không nên cho trẻ ăn.

Tin tức nguồn: http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=427099#ixzz 3LkY1uK1i
doc tin tuc www.xaluan.com

Chủ đề cùng chuyên mục :