Với những khó khăn từ thị trường Trung Quốc, dự báo giá trị xuất khẩu rau quả năm 2018 sẽ có tốc độ tăng trưởng khoảng 10% so với năm trước, thấp hơn nhiều so với con số 42,4% của năm 2017
Đọc thêm: Phân bón
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 11/2018 ước đạt 283 triệu USD, tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này 11 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc vẫn là đối tác hàng đầu về xuất khẩu rau quả của Việt Namtrong 10 tháng đầu năm 2018 với 73,8% thị phần, giá trị xuất khẩu rau quả đạt 2,41 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Tuy nhiên những tháng cuối năm, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể trong 8 tháng đầu năm giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc đạt trung bình khoảng 250 triệu USD/tháng thì sang tháng 9 và tháng 10 chỉ còn đạt 210 triệu USD/tháng.
Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) nhận định: “Với những khó khăn từ thị trường Trung Quốc, dự báo giá trị xuất khẩu rau quả năm 2018 sẽ có tốc độ tăng trưởng khoảng 10% so với năm trước, thấp hơn nhiều so với con số 42,4% của năm 2017”
Bộ cũng cho biết , thời điểm cận tết nguyên đán nhiều mặt hàng như: sầu riêng, mít, cam, bưởi, quýt,… tại nhiều tỉnh trên cả nước sẽ bước vào vụ thu hoạch rộ, tuy nhiên hiện tại giá trái cây có múi đã rớt thảm tới 50%.

Giá bưởi da xanh được thương lái thu mua giảm hơn 50% so với mức giá 2 tháng trước.
Theo số liệu mới nhất từ Bộ NN&PTNT, Trung Quốc vẫn đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm, với 73,8% thị phần và tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2017. Kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng mạnh vào các thị trường: Úc (tăng 36,8%), Hoa Kỳ (tăng 34,7%), Thái Lan (tăng 32,4%), Hàn Quốc (tăng 28,7%) và Trung quốc (tăng 11,3%).
Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 11/2018 đạt 137 triệu USD, đưa kim ngạch nhập khẩu 11 tháng lên 1,57 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2017. Thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất trong 11 tháng đầu năm 2018 là Thái Lan (chiếm 41,3% thị phần), Trung Quốc (chiếm 24,4%)
Thực tế cho thấy, Trung Quốc có nhu cầu nông sản cao trong khi hai nước Việt Nam - Trung Quốc có chung đường biên giới nên việc vận chuyển hàng hóa thuận lợi, đặc biệt phù hợp với các mặt hàng nông sản có đặc tính thời vụ.
Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, nhờ Hiệp định FTA ASEAN - Trung Quốc, thời gian tới trái cây Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc cơ bản được hưởng thuế suất 0%. Tuy nhiên, để mở cửa thị trường, cơ quan quản lý hai nước phải hoàn tất thủ tục đăng ký và đánh giá rủi ro theo quy định của Cơ quan Quản lý Kiểm tra Giám sát chất lượng và Kiểm dịch Trung Quốc AQSIQ. Ngoài ra, mặt hàng trái cây còn bị chỉ định cửa khẩu thông quan theo quy định của Trung Quốc, đây có thể coi là rào cản của Trung Quốc để bảo hộ sản xuất trong nước.
Một thực tế hiện nay là, nông sản Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch (biên mậu) là chính. Ngược lại, xuất khẩu chính ngạch còn rất ít, chỉ có 8 loại quả được xuất chính ngạch là thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, nhãn, vải, chuối và mít sang thị trường này. Các doanh nghiệp nhỏ thường áp dụng con đường tiểu ngạch, do đó các thương lái Trung Quốc khi đi thu mua cũng thường áp dụng hình thức này. Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc rất quan trọng yếu tố truy xuất nguồn gốc nông sản, vì thế những loại hoa quả không đảm bảo chất lượng, không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ thì chưa nói đến con đường chính ngạch, mà lối đi tiểu ngạch cũng ngày càng khó khăn.
Từ trước đến nay, xuất khẩu tiểu ngạch giữa Việt Nam và Trung Quốc được coi là quan trọng nhưng lại không bền vững, yếu tố rủi ro rất cao. Tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu hay “được mùa mất giá” thường xuyên xảy ra trong thời gian qua đã chứng minh cho sự rủi ro này. Hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch được xem là một giải pháp đối với nông sản Việt trong thời gian tới. Tuy nhiên, để đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu qua đường chính ngạch, nông sản Việt phải nhanh chóng đổi mới”.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất: “Nông nghiệp hiện nay phải là nông nghiệp số và công nghệ cao phải cần những doanh nghiệp mạnh có vốn đầu tư lớn để đáp ứng yêu cầu về khả năng truy xuất nguồn nông sản.
Bên cạnh đó, cần có chuỗi cung ứng các mô hình sản xuất trong nước. Chuỗi cung ứng này quản lý chặt chẽ quy trình đầu vào sản phẩm, xử lý đóng gói với các đối tượng chính là nông dân, hợp tác xã, công ty và đầu ra ở các cửa hàng, chợ truyền thống hay siêu thị. Trong đó, các khâu phải đồng bộ, phải được nhập số liệu truy nguyên và các chỉ số đánh giá chất lượng. Để phát triển bền vững không có con đường nào khác nông sản Việt cần tập trung vào con đường chính ngạch, chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường nước ngoài”.