Hiện tượng trẻ đau, sốt, quấy khóc là chuyện thường gặp sau tiêm phòng. Rất nhiều bà mẹ trẻ chưa có kinh nghiệm khi thấy vậy vô cùng bối rối. Thế nên nhiều gia đình ví von việc đi tiêm chủng chẳng khác nào một "cuộc chiến". Mà trước cuộc chiến ấy, cả gia đình đều phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng. Sau khi tiêm, cả nhà lại tiếp tục hồi hộp chờ xem phản ứng của trẻ, đồng thời lên kế hoạch ứng phó với những bất thường có thể xảy ra.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hằng, bệnh viện Nhi Trung ương, sốt hay quấy khóc sau tiêm chủng là hiện tượng hoàn toàn bình thường. Bởi lẽ, riêng chuyện tiêm đã gây đau và khiến trẻ khó chịu. Bên cạnh đó, khi đưa vắc-xin vào người, nó sẽ gây phản ứng đầu tiên là sưng tại chỗ, sau đó là gây sốt (vì cơ thể nhìn nhận vắc-xin như một tác nhân lạ và phản ứng lại để chống nhiễm trùng). Khi trẻ sốt, cơ thể khó chịu, lại có cảm giác sưng đau ở vết tiêm thì em bé quấy khóc là điều đương nhiên nên không có gì phải lo lắng quá mức.

Bác sĩ Hằng cho biết thêm, các phản ứng này sẽ xảy ra sau khi tiêm một vài tiếng. Thông thường, trẻ chỉ bị sốt nhẹ, song cũng có trường hợp sốt cao trên 39 độ kèm tình trạng vật vã. Các biểu hiện này nhìn qua có vẻ “dữ dội”, nhưng thực chất, nó có thể tự biến mất sau đó khoảng 1-2 ngày mà không cần biện pháp hỗ trợ nào.

Ngoài các biểu hiện trên, có một số trường hợp, trẻ bị nổi cục bằng hạt đậu, ngứa xung quanh vết tiêm. Một số trẻ từ 3-6 tháng tuổi còn gặp phải hội chứng rên la kéo dài, nghĩa là sau khoảng 6-10 tiếng sau khi tiêm, trẻ bỗng phát ra những tiếng rên rỉ, thậm chí là la hét to. Nhiều bố mẹ thấy những biểu hiện lạ như vậy vô cùng hốt hoảng, song đây cũng chỉ là một trong những phản ứng phụ của tiêm phòng và có thể tự hết.


review vnvc

Giảm đau không khó

Vẫn biết quấy khóc, sốt, khó chịu ở trẻ sau tiêm chủng là điều bình thường, hầu hết các bậc cha mẹ đều cảm thấy lo lắng. Vậy làm thế nào để giảm bớt những triệu chứng khó chịu này cho trẻ?

Bàn về vấn đề trên, bác sĩ Hằng cho biết nếu vết tiêm sưng và khiến trẻ đau nhiều, bố mẹ có thể bọc viên đá vào khăn xô sạch rồi nhẹ nhàng chườm lên vết tiêm cho trẻ. Với cách này, bố mẹ không nên làm liên tục vì sẽ khiến trẻ cảm thấy khó chịu và khóc nhiều hơn (tốt nhất chỉ nên thực hiện 2-3 lần/ngày). Trước khi chườm lạnh, đừng quên rửa tay sạch sẽ để tránh nhiễm khuẩn.

Với những trẻ vẫn còn bú mẹ, hãy cố gắng cho trẻ ti nhiều hơn bình thường. Việc ngậm ti mẹ sẽ khiến bé cảm thấy thư giãn, thoải mái và quên đi vết đau.

Còn trong trường hợp trẻ sốt cao hơn 38,5 độ, bố mẹ có thể sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt một thành phần duy nhất là paracetamol để giúp con hạ nhiệt và bớt mệt mỏi trong người. Nếu sử dụng biện pháp chườm, bạn cần chườm nóng chứ tuyệt đối không được chườm lạnh. Nếu trẻ sốt 39 độ C trở lên, tốt nhất nên cho trẻ đi khám bác sĩ.

Ngoài ra, sau khi tiêm, bạn nên cho con mặc quần áo rộng rãi, thoải mái, tránh mặc quần áo bó gây cảm giác bí bách, khó chịu, nhất là vào những ngày nóng.

Về chế độ ăn uống, thời gian này, bé thường có cảm giác chán ăn, do đó, hãy cho bé ăn những thức ăn dạng mềm, lỏng, dễ nuốt và đừng quên chia nhỏ bữa ăn ra.